Số hóa truyền hình Việt Nam
Vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam đã được phóng thành công vào quỹ đạo, mở ra cơ hội số hóa toàn bộ hệ thống truyền hình của Việt Nam
Các sản phẩm thu tín hiệu truyền hình số ngày càng phổ biến tại Việt Nam
Ngày 27-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2451/QĐ-TTg về “Phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital).
Nhiều lợi ích cho xã hội
Theo đề án, đến năm 2015, bảo đảm 80% hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55%. Đến năm 2020, phải bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng cho biết việc chuyển sang truyền hình số mang lại rất nhiều lợi ích chung cho xã hội như kênh chương trình sẽ tốt hơn do có thể phát độ phân giải cao HD và số lượng kênh nhiều hơn (lên đến hàng trăm kênh). Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tổ chức lại hệ thống đài truyền hình địa phương để các đài này chỉ tập trung sản xuất nội dung thay vì lo phát sóng như thời gian qua nhằm tiết kiệm tần số, chi phí hạ tầng. Quá trình số hóa truyền hình mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Hiện đã có 8 nước trên thế giới hoàn tất việc chuyển đổi này.
VINASAT-2 thúc đẩy số hóa truyền hình
Hiện nay, các đài truyền hình trong nước như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), Đài Truyền hình TPHCM (HTV), Đài Truyền hình Bình Dương (BTV)… đều đã có các kênh truyền hình số mặt đất sử dụng vệ tinh VINASAT-1 để phát tín hiệu. Việc VINASAT-2 vừa được phóng thành công sẽ là nguồn lực tiếp sức thêm cho lộ trình số hóa ngành truyền hình Việt Nam. VTV cho biết khi thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, sẽ chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31-12-2016.
Vệ tinh VINASAT-2 có công nghệ hiện đại với 24 bộ phát đáp 36 MHz trên băng tần Ku, vùng phủ sóng rộng. Dung lượng truyền dẫn của vệ tinh VINASAT-2 tương đương 13 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình. Với VINASAT-2, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về dung lượng vệ tinh từ nay đến năm 2020.
Sản xuất, nhập khẩu máy thu hình số
Ngày 9-5-2012, Bộ TT-TT tổ chức hội nghị triển khai đề án số hóa truyền hình mặt đất đối với việc sản xuất, nhập khẩu máy thu hình. Theo đề án, từ ngày 1-1-2013, các thiết bị thu truyền hình số được sản xuất và nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG4 có hỗ trợ thu MPEG2. Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo. Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng các doanh nghiệp cần thực hiện lộ trình số hóa đã được Thủ tướng phê duyệt trong đề án vì đó là thời điểm phù hợp nhất cả về công nghệ, thị trường và giá thành để tiến hành việc chuyển đổi. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng Bộ TT-TT cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm ban hành quy chuẩn chi tiết về truyền hình số mặt đất làm căn cứ cho các doanh nghiệp thực hiện.
Đại diện Công ty Sony Việt Nam, LG, Samsung Vina đều cho biết bên cạnh những sản phẩm máy thu hình thông thường, các hãng này đang cung cấp những mẫu sản phẩm khác tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T. Với các máy thu hình thông thường chưa có chức năng thu truyền hình số mặt đất thì việc tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất không gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm đều đã có sẵn các bo mạch và chỉ cần gắn thêm bộ phận có chức năng thu truyền hình số mặt đất. Theo đại diện các hãng, các sản phẩm này sẽ sớm được cung cấp cho thị trường để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cũng như hỗ trợ tốt việc thực hiện đề án số hóa toàn bộ truyền hình Việt Nam.
Truyền hình số có nhiều ưu điểm
Truyền hình số mặt đất có những ưu điểm vượt trội so với truyền hình tương tự như chống nhiễu cao, có khả năng phát hiện và sửa lỗi, chất lượng chương trình trung thực, ít bị ảnh hưởng nhiễu đường truyền, tránh được hiện tượng bóng hình thường gặp ở truyền hình tương tự. Truyền hình số mặt đất phát được nhiều chương trình đồng thời trên một kênh sóng, nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần, tiết kiệm kinh phí đầu tư, chi phí vận hành...
Truyền hình số DVB-T cho phép truyền đồng thời cả tín hiệu truyền hình, phát thanh và các dịch vụ truyền dữ liệu khác cũng như hỗ trợ thu tín hiệu trên thiết bị di động. Người dùng chỉ cần sử dụng ti vi và ăng-ten thông thường cùng với bộ chuyển đổi Digital/Analog (đầu thu số).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét